Sách được chia thành hai phần: một phần dẫn nhập vào con đường của đạo Phật và một phần thảo luận về thực hành thiền định. Cốt tủy của sách này là bài viết về thực hành pháp thiền định Ngöndro, là pháp tu cốt yếu của truyền thống Longchen Nyingthig thuộc Phật giáo Tây Tạng. Ngöndro tiêu biểu cho một tiến trình rèn luyện đầy đủ, khởi đầu với việc gợi cảm hứng hướng tâm hành giả đến với Giáo Pháp và kết thúc bằng việc hợp nhất tâm hành giả với tâm giác ngộ của đức Phật, sự giác ngộ phổ quát.
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số
phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này. Vì thế, thiền không phải là một lãnh vực siêu nhiên vượt ngoài phạm trù ý thức thông thường như nhiều người lầm tưởng, mà trái lại chính là sự soi rọi, chiếu sáng những trạng thái tâm thức hết sức bình thường mà mỗi người chúng ta đều đã và đang trải qua trong cuộc sống thường ngày.
Trong quyển sách này, những tư liệu từ những nguồn khác nhau đã được đưa vào để cung cấp cho độc giả những trang viết lý thú về Phật học. Phần “Chết & tái sinh” mô tả những “kiểu” chết và những đối tượng hiện trong tâm trước khi chết, ví dụ như là năm viễn cảnh của một người sắp chết, theo sau là những hình thức tái sinh khác nhau. “Năm cảnh giới tái sinh” (Pancagati) mô tả chi tiết về 31 cõi hiện hữu là đích đến của những sự tái sinh theo quan điểm về vũ trụ của Phật giáo. “Những chu kỳ thế giới khi những đức Phật xuất hiện” mô tả những điều kiện và sự hiếm hoi trong “hằng hà sa số” kiếp để thế gian may mắn có được một đức Phật xuất hiện; cũng như về những hạnh Ba-la-mật (parami) mà một người có đại nguyện trở thành Phật Duyên giác (Pacceka Buddha) hay một Đại A-la-hán (Maha Arahant) cần phải vượt qua. Và câu hỏi liệu chúa Jesus có phải là một vị Bồ-tát hay không cũng được giải đáp trong quyển sách này.
Quyển sách này viết cho giới trí thức Âu Mỹ, một giới trí thức có một bối cảnh khoa học và văn minh Cơ đốc giáo, nên các vấn đề thảo luận, phương pháp trình bày rất thiết thực, linh động, sát với thực tế và liên hệ ngay đến đời sống và những thắc mắc hiện đại. Giá trị quyển này phần lớn nhờ ở điểm này. Tác giả dẫn chứng rất nhiều lời dạy trong kinh điển Pàli để chứng minh cho sự trình bày của mình, một thái độ và một phương pháp khoa học đáng được hoan nghênh và bắt chước. Thường chúng ta trình bày đạo Phật ngang qua sự hiểu biết của chúng ta, và điều nguy hại hơn ngang qua cảm tình và sở thích của chúng ta, và vì vậy nhiều khi tư tưởng và thái độ của đức Phật bị bóp méo, rạn nứt rất nhiều. Ðể bớt tệ hại này, phương pháp hữu hiệu nhất là dẫn chứng trong kinh điển những lời dạy của chính đức Phật để xác chứng quan điểm của mình trong khi trình bày, một thái độ mà tác giả tập sách này đã theo rất trung thành.
“Điều trị bệnh tận gốc” không chỉ là một cuốn sách với những lời cầu nguyện cho bệnh tật cơ thể được giảm bớt. Nội dung của cuốn sách này còn chứa đựng nhiều
hơn thế nữa. Các phần lý thuyết và thực hành chứa đựng trong sách này có tác dụng dẫn dắt tâm chúng ta đến chỗ thấu hiểu sâu xa hơn về sự sống và chết, về vô thường và khổ đau. Sự thấu hiểu sâu sắc như thế sẽ cho phép chúng ta bắt đầu nhìn ngắm cơn đau và bệnh tật bằng một tầm nhìn bao quát hơn. Với tầm nhìn này thì khái niệm về nghiệp quả, về tái sinh và về phẩm chất của sự tái sinh, tất cả những khái niệm đó sẽ mang những ý nghĩa mới có năng lực làm dịu cơn đau và chữa lành tận gốc các căn bệnh của chúng ta.
Bác sĩ Kimura Taiken là một học giả Nhật Bản chuyên khảo cứu về triết học Ấn Độ và đã được giới học giả Nhật coi như một triết gia Ẩn. Ông rất giỏi Phạn Ngữ
(Sanscrit) và tinh thông các kinh điển Vệ-đà (Rig-Vedas) và U-ba-ni-sat (Upanishads). Ông đã xuất bản lần đầu tiên cuốn “Lịch Sử Tôn Giáo Và Triết Học Ấn Độ” và tác phẩm này đã làm ông nổi tiếng. Sau đó ông lần lượt hoàn thành các tác phẩm: “Sáu phái triết học Ấn Độ”, “Nguyên Thủy Phật giáo tư tưởng luận”, “Tiểu Thừa Phật giáo tư tưởng luận”, “Đại Thừa Phật giáo tư tưởng luận” và “A Tỳ Đạt Ma luận” v.v… Những sách của ông rất có giá trị về phương diện tư tưởng cũng như rất có hệ thống về phương pháp nghiên cứu và được giới học giả Nhật đón nhận một cách nồng nhiệt.
Bộ “Đại Đường Tây Vức Ký” nầy là tấm bản đồ đầy đủ nhất, chi ly nhất mà đương thời từ năm 628 đến năm 645 tại Ấn Độ và Trung Hoa chưa có một người nào viết được một bộ Sử Phật giáo như thế. Đây là kết quả của 17 năm trường mà Ngài Huyền Trang đã ở tại Ấn Độ. Đi đến đâu Ngài cũng ghi lại từ khí hậu, phong thổ cho đến tập quán và nhất là những câu chuyện liên quan đến cuộc đời đức Phật cũng như chư vị Bồ Tát, A La Hán. Số nước mà Ngài đã đi qua là 110, ngày nay chúng ta có thể gọi là những tiểu bang, vì ngày xưa mỗi một vùng có một ông Vua nhỏ, hoặc tù trưởng đứng đầu. Còn ngày nay, Ấn Độ chỉ còn một nước mà thôi. Chung quanh đó có một số nước, ngoài Ấn Độ như Ba Tư, Kasmir, Tân Cương v..v... là những nước lớn ta có thể kể riêng. nhưng tựu chung chỉ đi bộ và dùng voi ngựa mà vượt qua được những chặng đường dài gần 50 ngàn dặm ấy thì quả thật thế gian nầy chỉ có một không hai.
Nhờ bản đồ hành hương của Ngài qua truyện Đại Đường Tây Vức Ký nầy mà những nhà học giả, những nhà khảo cổ học người Âu Châu mới tìm đến Ấn Độ để xác nhận, tìm kiếm những di tích ấy vào cuối thế kỷ thứ 18 và cho đến nay thì bốn Thánh Địa căn bản của đức Phật từ khi Đản Sinh cho đến khi Thành Đạo, Thuyết Pháp lần đầu tiên và thị tịch Đại Bát Niết Bàn đã rõ ràng.
Tập sách này được soạn dịch từ hai bản văn khuyến thiện bằng chữ Hán (“Liễu Phàm tứ huấn” của tiên sinh Viên Liễu Phàm và “Du Tịnh Ý công ngộ Táo thần ký”) được lưu hành rộng rãi nhất. Nội dung tuy không có gì quá sâu xa khó hiểu, nhưng là những nhận thức vô cùng thiết thực và lợi lạc trong cuộc sống, có thể giúp người ta thay đổi cả cuộc đời, hay nói theo cách của người xưa là “chuyển đổi số mạng”.
… Việc tu hành không gì hơn là nhắm đến viên mãn thành Phật, mà thành Phật là do tích lũy những việc thiện theo tôn chỉ đã dạy, áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Hơn thế nữa, tư tưởng Mạn Đà La (Mandara) cũng như tinh thần của Ngài Hoằng Pháp Đại Sư đâu gì khác hơn ngoài tấm lòng từ bi, quảng đại và khoan dung. Tinh thần này không giới hạn nơi tín đồ của Chân Ngôn Tông, mà nó còn thấm nhuần rộng rãi nơi mọi người Nhật Bản. Và có thể đây là cơ bản cho sự hình thành quan niệm tôn giáo có tính cách đặc thù ấy…